Đường tiết niệu là con đường dẫn nước tiểu, chất lỏng dư thừa, độc hại ra ngoài cơ thể. Khi mà cơ quan này bị viêm sẽ gây ra nhiều bất tiện về sinh hoạt cũng như là sức khỏe của người bệnh. Bệnh không phân biệt giới tính, độ tuổi do vậy mà ai cũng có thể bị bệnh. Bài viết này Sống Khoẻ 24h sẽ giúp bạn tìm hiểu toàn bộ về bệnh viêm đường tiết niệu mà nhiều người đang gặp phải.
Bệnh viêm đường tiết niệu là gì?
Viêm đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại đường tiết niệu với tác nhân gây viêm là vi khuẩn. Sự viêm nhiễm này nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người bệnh đặc biệt là nữ giới.
Đường tiết niệu hay hệ tiết niệu bao gồm 2 quả thận, 2 niệu quản, 1 bàng quang và 1 niệu đạo. Hoạt động của hệ tiết niệu bao gồm: thận thực hiện nhiệm vụ chuyển chất thải thành nước tiểu. Nước tiểu từ thận tới bàng quang nhờ niệu quản. Bàng quang lưu trữ nước tiểu rồi đưa xuống niệu đạo và thải ra ngoài thông qua lỗ tiểu.
Khi có các điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện và phát triển của vi khuẩn, chúng sẽ xâm nhập vào bàng quang, thận rồi sinh nở tại đây. Từ các cơ quan này chúng gây nhiễm khuẩn nước tiểu rồi gây nên viêm nhiễm tại chính các cơ quan của hệ tiết niệu: viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm thận – bể thận cấp.
Những đối tượng có nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu
Bất kì ai cũng có thể mắc căn bệnh này không kể tuổi tác, giới tính. Tuy nhiên một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đó là:
- Nữ giới có nguy cơ cao hơn nam.
- Những người đang gặp phải các bệnh lý: suy giảm miễn dịch, sỏi tiết niệu, thận hư, phì đại tuyến tiền liệt, viêm nhiễm nam khoa, viêm nhiễm phụ khoa,…
- Phụ nữ trong thời gian sinh đẻ hoặc mãn kinh.
- Người bị bệnh bẩm sinh về thận, dị dạng đường tiểu.
- Những người thực hiện nội soi bàng quang, nong niệu đạo,…
Viêm đường tiết niệu ở nam và nữ
Viêm đường tiết niệu là căn bệnh xuất hiện ở cả nam và nữ. Tuy nhiên thì do đặc thù về cấu tạo cơ thể nam nữ khác nhau cho nên một số yếu tố của bệnh ở 2 giới sẽ khác nhau. Theo thống kê thì tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn nhiều so với nam, ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai khoảng 5 lần và tỷ lệ phụ nữ từng bị viêm đường tiết niệu là 20 – 40%.
Nguyên nhân dẫn đến điều này là do cấu trúc niệu đạo nữ ngắn hơn ở nam. Do đó vi khuẩn hoạt động dễ dàng và hiệu quả hơn. Đó cũng chính là lý do mà phụ nữ dễ bị viêm nhiễm vùng kín và cơ quan sinh sản hơn so với nam.
Viêm đường tiết niệu ở trẻ em
Ở trẻ em bị viêm đường tiết niệu có 3 dạng bệnh chủ yếu là viêm bàng quang, viêm thận và nhiễm khuẩn niệu. Trong đó thì nhiễm khuẩn niệu là thể nhẹ nhất do vi khuẩn chỉ xuất hiện trong nước tiểu chứ chưa gây viêm tại cơ quan, viêm thận là thể nặng nhất.
Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở trẻ: các triệu chứng này ở trẻ thường không đặc trưng do vậy mà gây nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán viêm niệu đạo ở trẻ.
- Khi trẻ bị viêm niệu đạo thường có những biểu hiện chung với nhiều bệnh khác như: đau bụng, sốt cao, quấy khóc, khó ăn,… Lưu ý khi bé sốt cao, sờ vào bụng bé khiến bé khóc to hơn thì có thể bé gặp vấn đề về đường tiêu hóa hoặc bệnh viêm đường tiết niệu.
- Khi bé bị viêm đường tiết niệu thể bàng quang sẽ có những biểu hiện đặc trưng hơn như: khó tiểu, tiểu nhiều, ngắt quãng có mùi hôi.
Điều trị viêm đường tiết niệu ở trẻ em: Các bậc phụ huynh cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của bé. Khi thấy bé có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì nên đưa bé đến thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu của bệnh viêm đường tiết niệu
Triệu chứng của bệnh viêm đường tiết niệu khá đa dạng và có sự khác nhau ở nam và nữ. Tuy nhiên vẫn có các triệu chứng chung, đặc trưng giống nhau ở cả 2 giới là đi tiểu khó, tiểu buốt, bụng đau âm ỉ, khó chịu:
- Số lần đi tiểu tăng lên nhưng lượng lượng tiểu mỗi lần đi vệ sinh thì rất ít; đặc biệt là cảm giác muốn đi vệ sinh liên tục.
- Mỗi lần đi tiểu đều cảm thấy đau buốt như bị kim châm.
- Nước tiểu có màu khác lạ, có thể lẫn máu, mùi hôi, bụng ậm ạch khó chịu.
- Bụng dưới và lưng bị đau, cùng với cảm giác nóng rát ở vùng bụng dưới.
- Khi viêm nhiễm lan tỏa đến thận sẽ có tình trạng đau lưng, ớn lạnh, sốt, nôn, buồn nôn.
Ngoài ra thì ở nam và nữ còn xuất hiện một số triệu chứng khác nhau như:
Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở nam
- Nước tiểu có màu vàng đục, mùi nặng, có mủ hoặc máu, nếu lượng máu nhiều có thể thấy rõ màu đỏ trong máu.
- Dịch tiết bất thường ở đầu dương vật.
- Niệu đạo sưng đỏ hoặc ngứa ngáy: xảy ra khi bệnh tiến triển nghiêm trọng cần đến bệnh viện để thăm khám ngay.
- Đau, khó chịu khi quan hệ do việc xuất tinh gặp khó khăn, bị đau đớn có thể xuất tinh ra máu.
Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở nữ
- Nước tiểu đục có mùi khó chịu, có thể lẫn máu.
- Đau lưng, vùng bụng dưới, đau khi quan hệ.
Nguyên nhân viêm đường tiết niệu
Việc tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến viêm đường tiết niệu rất có lợi cho việc điều trị cũng như là đưa ra được các giải pháp an toàn để phòng bệnh. Một số nguyên nhân dẫn đến viêm đường tiết niệu là:
- Do vi khuẩn: 1 số loại vi khuẩn có khả năng gây bệnh là E. Coli, Enterobacter, Citrobacter, Chlamydia, lậu cầu,…Trong đó E. Coli chiếm 90% các trường hợp viêm đường tiết niệu.
- Do vệ sinh không sạch sẽ: Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ hoặc không đúng cách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh cư trú và phát triển. Từ đó chúng dễ dàng xâm nhập vào các cơ quan gây viêm rồi lan dần sang các cơ quan khác. Ở nam giới không chú trọng vệ sinh bị viêm quy đầu gây nên bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Ở nữ giới do vệ sinh không sạch sẽ và đúng cách đặc biệt là những ngày đèn đỏ, sử dụng băng vệ sinh hoặc chất tẩy rửa, dung dịch vệ sinh dễ gây kích ứng dễ gây viêm niệu đạo.
- Do quan hệ tình dục không an toàn, bừa bãi khiến cho các vi khuẩn lây qua đường tình dục như giang mai, lậu,…dễ dàng xâm nhập gây viêm niệu đạo.
- Nhịn tiểu thường xuyên, uống ít nước: nhịn tiểu khiến nước tiểu bị ứ đọng lại lâu hơn, khiến vi khuẩn có thời gian phát triển nhân lên với số lượng lớn dễ dẫn đến viêm niệu đạo.
- Do bệnh lý: 1 số bệnh làm tăng nguy cơ viêm niệu đạo như bệnh sỏi tiết niệu, ứ trệ nước tiểu do u, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.
Chẩn đoán bệnh viêm đường tiết niệu
Ngoài các biểu hiện lâm sàng mà tự người bệnh có thể quan sát được thì cần phải thực hiện thêm 1 số xét nghiệm. Việc này cần được thực hiện bởi bác sĩ tại các cơ sở y tế có đầy đủ thiết bị cần thiết.
Sau khi đã tiến hành thăm khám sơ bộ, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đi lấy nước tiểu để xét nghiệm. Lưu ý lấy nước tiểu giữa dòng để có kết quả chính xác nhất. Ngoài ra các kỹ thuật nuôi cấy vi khuẩn có trong nước tiểu sẽ được thực hiện để xác định vi khuẩn và kháng sinh phù hợp.
Còn tùy vào loại viêm đường tiết niệu bạn gặp phải là viêm đường tiết niệu trên hay dưới mà bác sĩ có thể yêu cầu bạn lấy máu để xét nghiệm máu, siêu âm, chụp CT, chụp cản quang đài bể thận, sỏi niệu đạo,…
Sau khi có kết quả chẩn đoán của bệnh bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhất đối với từng bệnh nhân cụ thể.
Cách điều trị viêm đường tiết niệu
Để đối phó với bệnh viêm đường tiết niệu hiện nay có rất nhiều phương pháp. Tuy nhiên để việc điều trị đạt hiệu quả nhanh chóng và khỏi bệnh thì người bệnh cần đến trực tiếp các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và chữa trị đúng cách.
Tùy từng trường hợp bệnh nhân có các biểu hiện khác nhau, mức độ cũng như tình trạng bệnh, nguyên nhân bệnh và tính chất bệnh khác nhau, bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp điều trị cụ thể khác nhau.
Để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bạn cần đến ngay các cơ sở y tế khi thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh được kể trên. Không nên chủ quan hay ngại nói ra các vấn đề của bệnh vì nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản.
Kháng sinh chữa viêm đường tiết niệu
Thuốc Tây chủ yếu để điều trị viêm đường tiết niệu hiện nay là thuốc kháng sinh. Các loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng: Doxycycline, Trimethoprim, Cephalexin,…với tác dụng ngăn ngừa viêm nhiễm, diệt khuẩn và đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Đây là phương pháp được dùng chủ yếu hiện nay với thời gian điều trị ngắn và hiệu quả. Tuy nhiên thì các loại thuốc trên cần có sự kê đơn của bác sĩ điều trị. Việc bạn cần làm là phải uống đúng và đủ liều thuốc được kê thì mới đảm bảo điều trị hiệu quả tốt nhất
Chữa viêm đường tiết niệu bằng thảo dược thuốc nam
Trong Đông y có nhiều bài thuốc có tác dụng chữa viêm đường tiết niệu hiệu quả. Phương pháp này đòi hỏi người bệnh phải kiên trì, sử dụng các bài thuốc đúng cách và đúng thời điểm. Một số bài thuốc bạn có thể tham khảo:
- Bài 1: 9g hạt ích mẫu, 9g chè đun với nước trong 20 phút. 1 ngày uống 2 thang vào lúc đói có tác dụng trị tiểu rắt, tiểu buốt.
- Bài 2: Lấy 15g cỏ seo gà, 45g ngải cứu, 15g bạch mao căn vào nồi đun 20 phút, chắt lấy nước cốt hòa với 10g mật ong, uống nóng. 1 ngày uống 2 lần trước bữa ăn sau khoảng 1 tuần bạn sẽ thấy hiệu quả bất ngờ.
- Bài 3: Lấy 30g mã đề, 10g cam thảo đất, 50g rau dền cơm rửa sạch, giã nát rồi lọc với nước đã đun sôi để nguội. Uống 2 lần 1 ngày.
Chữa viêm đường tiết niệu bằng lá trầu không
Lá trầu không không còn xa lạ gì đối với nhiều người. Đây cũng là nguồn nguyên liệu có mặt nhiều trong các bài thuốc dân gian chữa các bệnh như: đau khớp, đau họng, rối loạn cương dương, trị vết thương, khó tiêu,…Một công dụng mà nhiều người không ngờ tới là lá trầu không có tác dụng chữa viêm đường tiết niệu.
Trong thành phần lá trầu không chứa nhiều hoạt chất có khả năng kháng khuẩn, diệt virus và chống viêm cực cao như: chavicol, allylcatechol, methyl eugenol, cùng với các acid amin,… nên có hiệu quả chữa viêm đường tiết niệu rất tốt.
Cách thực hiện: Lấy vài lá trầu, rửa sạch sau đó vò nát; chắt lấy nước và dùng nó để rửa niệu đạo. Bạn nên rửa bằng cách này hàng ngày để mang lại hiệu quả nhưng cần lưu ý lá trầu có thể gây bỏng rát nên không được chà sát mạnh.
Phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu
Sau khi bạn đã được xét nghiệm và chứng minh mình bị viêm đường tiết niệu thì các bác sĩ sẽ tiến hành đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Phác đồ điều trị này khác nhau tùy vào bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu trên hay dưới.
Đối với viêm đường tiết niệu dưới:
- Tăng cường bổ sung nước hàng ngày.
- Thuốc sử dụng: sulfamid uống 2 viên / 1 ngày. Ciprofloxacin 0,5g uống 15-20mg/kg/ngày. Nitrofuran liều dùng 150mg/ngày để sát khuẩn niệu đạo hàng ngày.
- Thời gian: ít nhất 10 ngày.
- Sau khi quá trình điều trị làm xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra.
Đối với viêm đường tiết niệu trên:
- Thuốc kháng sinh sử dụng: Gentamicin 80mg với liều dùng 3 đến 5mg/kg/ngày, sử dụng liên tục 7 ngày và quan sát, kiểm tra chức năng của thận. Ciprofloxacin 0,5g với liều dùng 15 đến 20mg/kg/ngày, sử dụng từ 10 đến 14 ngày.
- Sau quá trình điều trị xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra.
Lưu ý: Người bệnh không được tự ý mua thuốc về điều trị mà không có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ. Việc này có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Phòng bệnh viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu là bệnh dễ chữa tuy nhiên khả năng tái phát lại cao. Đối với những người đã được chữa khỏi hoặc chưa từng bị bệnh thì công tác phòng bệnh thực sự cần thiết. Một số biện pháp giúp bạn phòng bệnh viêm đường tiết niệu gồm:
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ và đúng cách hàng ngày và trước, sau khi quan hệ. Nếu bạn muốn sử dụng dung dịch vệ sinh hay băng vệ sinh cần lựa chọn các loại sản phẩm an toàn, lành tính. Đối với nữ thì cần chú ý vệ sinh vào những ngày đèn đỏ.
- Không nhịn đi tiểu, uống nhiều nước. Có thể là nước lọc, nước hoa quả đều có lợi cho cơ thể góp phần bổ sung dinh dưỡng, thanh lọc cơ thể.
- Quan hệ tình dục an toàn: không nên quan hệ với người nhiễm bệnh, sử dụng bao cao su, không quan hệ bừa bãi.
- Điều trị các bệnh lý dễ gây ra viêm đường tiết niệu như sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt.
- Không nên sử dụng các loại quần áo hoặc đồ lót quá chật, khó thấm mồ hôi, không sử dụng sản phẩm có hoạt tính tẩy rửa mạnh.
- Bổ sung vitamin C cho cơ thể giúp ngăn ngừa viêm bàng quang, tăng acid trong nước tiểu, hạn chế sự sinh sôi nảy nở của nước tiểu.
Một số câu hỏi liên quan đến bệnh viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu nên ăn gì?
Chế độ ăn khoa học, đầy đủ cũng góp phần cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả. Những thức ăn mà người bị viêm đường tiết niệu nên ăn là: nước ép nam việt quất, thực phẩm giàu probiotic (thực phẩm lên men: kimchi, sữa chua,…); thức ăn, nước uống chứa nhiều vitamin C (bắp cải, súp lơ, cà chua, kiwi, quả mọng, bưởi rau bina,…); trái cây và rau xanh.
Người bị viêm đường tiết niệu nên tránh các thức uống như: cà phê, rượu, soda; thực phẩm cay, thức ăn chứa chất tạo ngọt.
Viêm đường tiết niệu có nên quan hệ?
Có nên quan hệ khi bị viêm đường tiết niệu là nỗi băn khoăn khó nói của nhiều người. Câu trả lời là không nên. Việc quan hệ khi mang bệnh khiến đối phương có thể bị lây nhiễm, đồng thời làm suy giảm chất lượng tình dục. Việc này cũng khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, đau đớn và khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Tuy nhiên nếu bạn muốn giải tỏa nhu cầu trong lúc cấp bách thì nên sử dụng bao cao su và vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ.
Viêm đường tiết niệu khi mang thai có nguy hiểm?
Viêm đường tiết niệu gây ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và không tốt cho sức khỏe của thai nhi. Để đảm bảo an toàn cho thai nhi thì mẹ bầu cần lưu ý quan sát các biểu hiện cơ thể, kiểm tra nước tiểu định kỳ 3 tháng 1 lần để theo dõi và phát hiện bệnh sớm. Thực hiện các biện pháp an toàn để phòng bệnh là tốt nhất.
Viêm đường tiết niệu có nguy hiểm không?
Viêm đường tiết niệu nếu như không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản và nhiều cơ quan của cơ thể:
- Đối với thận gây nhiễm trùng, tổn thương thận khiến chức năng thận bị suy giảm. Các chất thải không được đào thải qua thận để ra ngoài gây suy nhược cơ thể thậm chí dẫn đến tử vong.
- Niệu đạo: viêm nhiễm lâu ngoài gây hẹp niệu đạo, để lại sẹo và khó khăn khi đi tiểu.
- Suy giảm sức đề kháng làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh đường tình dục nguy hiểm: lậu, giang mai,…
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ, gây vô sinh, hiếm muộn,…
- Gây tổn thương các cơ quan sinh dục của người bệnh: tinh hoàn, bàng quang, ống dẫn tinh, buồng trứng, tử cung, cổ tử cung,…
Bệnh viêm đường tiết niệu có lây không?
Về bản chất thì viêm đường tiết niệu không phải là bệnh lây nhiễm. Nhưng nếu có tác nhân tác động thì khả năng bị bệnh cho đối phương là rất cao. Việc sử dụng đồ bảo hộ như bao cao su chỉ là giúp giải quyết nhu cầu thực sự cấp bách mà thôi.
Với bệnh này các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo bạn nên hạn chế quan hệ tình dục, đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị triệt để.
Viêm đường tiết niệu có gây vô sinh?
Bệnh viêm đường tiết niệu nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dần gây tổn thương các cơ quan sinh sản (lộ tuyến cổ tử cung, buồng trứng, tử cung, tuyến tiền liệt, tinh hoàn,…) lân cận và gây các biến chứng vô sinh, hiếm muộn,…ở cả 2 giới.
Đối với nữ giới khi viêm nhiễm lan sang bộ phận lân cận sẽ gây bịt kín cổ tử cung, tử cung khiến cho tinh trùng khó gặp được trứng.
Đối với nam sẽ gặp phải tình trạng cương dương không theo ý muốn, chất lượng và số lượng tinh trùng suy giảm do bệnh làm tăng độ pH trong tinh dịch. Đồng thời nó có thể khiến đường tiết niệu bị hẹp, khó khăn khi xuất tinh.
Đặc biệt là cả nam và nữ khi bị viêm niệu đạo đều cảm thấy khó khăn khi quan hệ do các cơ quan bị tổn thương nên có cảm giác đau, khó chịu, dần tới chán nản, suy giảm ham muốn tình dục.
Chữa viêm đường tiết niệu ở đâu?
Dưới đây là 1 số cơ sở y tế khám chữa bệnh uy tín mà bạn có thể tìm hiểu. Đây là những cơ sở khám chữa bệnh uy tín với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại:
- Khoa Thận – Tiết niệu của Bệnh viện Bạch Mai: địa chỉ Tầng 5 nhà P – 78 Giải Phóng – Đống Đa – Hà Nội.
- Khoa Thận tiết niệu của Bệnh viện Thanh Nhàn: địa chỉ 42 Thanh Nhàn – Hai Bà Trưng – Hà Nội.
- Khoa Phẫu thuật tiết niệu của Bệnh viện Việt Đức.: địa chỉ 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội.
- Khoa Thận tiết niệu của Bệnh viện Hữu Nghị: địa chỉ 1 Trần Khánh Dư – Hai Bà Trưng – Hà Nội.
Đây là các cơ sở khám chữa bệnh uy tín nhất tại Hà Nội hiện nay. Bạn nên tìm hiểu kĩ càng về các cơ sở này hoặc tham khảo ý kiến người thân đã từng khám tại các cơ sở trên để việc khám bệnh đạt hiệu quả tốt nhất và chi phí khám chữa, đi lại hợp lý nhất.