Trẻ sơ sinh bị táo bón: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Trẻ sơ sinh bị táo bón là vấn đề khiến nhiều mẹ bầu lo lắng và quan tâm. Táo bón ở trẻ không phải là tình trạng nguy hiểm tuy nhiên nó khiến các bé cảm thấy khó chịu, đau mót, quấy nhiễu mỗi khi đi nặng. Trong bài viết dưới đây, Sống khỏe 24h sẽ giúp các mẹ hiểu được và tìm được các giải pháp an toàn giúp giải quyết vấn đề táo bón ở trẻ.

Trẻ sơ sinh bị táo bón là gì?

Táo bón là tình trạng cơ thể gặp phải những bất thường về hệ tiêu hóa, thiếu nước, chế độ ăn thiếu chất xơ,… khiến việc đại tiện của cơ thể gặp khó khăn. Biểu hiện là mất nhiều thời gian để tống phân ra ngoài, số lượng phân ít, vón cục và khoảng cách giữa các lần đi dài hơn bình thường.

Trẻ sơ sinh bị táo bón là tình trạng táo bón gặp ở các bé mới sinh. Biểu hiện ở tình trạng chậm đại tiện, tần suất đi tiêu của bé khoảng 3 – 5 ngày cùng với đó là bé thấy khó chịu, quấy khóc, khó khăn mỗi lần đi tiêu, phân cứng lẫn máu hoặc có màu đen. Nếu trong vòng 5 – 10 ngày bé không hề đi tiêu thì các mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ.

Tuy nhiên không phải cứ 4, 5 ngày bé không đi tiêu là bé bị táo bón. Trường hợp này nếu bé đi phân dẻo, mềm và dễ dàng thì bé vẫn bình thường. Vì vậy không thể chỉ dựa vào tần suất đi ngoài của bé để đánh giá bé có bị táo bón hay không.

Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh

Do chế độ ăn uống của mẹ

Vì giai đoạn này bé đang bú sữa mẹ, đây là nguồn dinh dưỡng chính của bé thế nên tình trạng táo bón của trẻ gặp phải có thể do nguyên nhân từ nguồn thực phẩm mà mẹ ăn.

  • Nếu trong khẩu phần ăn hàng ngày của mẹ chứa nhiều đồ ăn cay nóng, các thức ăn khó tiêu, nhiều đạm, ít chất xơ sẽ gián tiếp khiến trẻ bị táo bón.
  • Ngoài ra chế độ ăn uống thiếu chất, ngủ nghỉ không điều độ của mẹ cũng khiến cho bé dễ bị táo bón hơn khi mà bé bú sữa mẹ.

Tuy nhiên thì tỉ lệ bé bú sữa mẹ bị táo bón vẫn ít hơn so với việc bé uống sữa công thức từ sớm thay cho sữa mẹ. Vì trong thành phần của sữa mẹ chứa các thành phần cân bằng chất béo, protein, chất xơ, nước,…có lợi cho việc tiêu hóa đi ngoài của bé. Còn trong thành phần của sữa công thức chứa các protein khác nhau là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ.

Cung cấp thiếu nước

Thiếu nước là một trong nguyên nhân có thễ dẫn đến tình trạng táo bón. Bởi khi uống ít nước thì cơ thể tăng cường hấp thu nước từ thức ăn đồ uống để phục vụ hoạt động chức năng các cơ quan. Điều đó khiến cho lượng chất thải sau khi tiêu hóa (khối phân) trở nên khô và cứng gây khó khăn cho bé đi tiêu. Vì vậy, cần bổ sung đủ nước cho bé bằng việc bú sữa hoặc luyện thói quen cho trẻ uống nước hằng ngày

Thay đổi chế độ ăn của bé

Táo bón thường xảy ra trong giai đoạn khi mà mẹ bắt đầu cho bé ăn dặm. Bởi việc chuyển từ chế độ ăn nhuyễn sang thô cộng thêm hệ tiêu hóa yếu kém chưa hoàn thiện dẫn đến tình trạng nhu động ruột của bé chưa kịp làm quen với lượng và kết cấu thức ăn đó sẽ khiến cho trẻ dễ bị táo bón.

Ngoài ra, táo bón ở trẻ sơ sinh có thể xuất phát từ nguyên nhân do uống sữa ngoài quá sớm. Do thành phần của sữa công thức là kết hợp của nhiều chất dinh dưỡng đòi hỏi hệ tiêu hóa hoàn chỉnh mới có thể hấp thu được, nên khi đưa vào cơ thể bé dễ bị đào thải và gây táo bón.

Một số nguyên nhân khác

  • Thay đổi thói quen: khi thói quen trong sinh hoạt của bé đột ngột bị thay đổi như khi ba mẹ cho bé đi du lịch, hay do thời tiết nóng lạnh thất thường sẽ ảnh hưởng đến  chức năng ruột của bé khiến bé dễ bị tiêu chảy hoặc táo bón
  • Thói quen nhịn đại tiện hoặc việc đi tiêu khó khăn khiến bé sợ hãi và nhịn mỗi lần cần phải đi đại tiện khiến phân tích tụ trong thời gian dài càng trở nên khô, cứng và càng khiến bé đau rát hơn khi phải tống nó ra ngoài.
  • Đối với trẻ hiếu động, ham chơi, hoạt động nhiều dễ thiếu nước; hay ngồi chơi đồ chơi 1 tư thế trong thời gian dài,… khiến nhu động ruột kém, hệ tiêu hóa kém làm việc dễ gây táo bón.
  • Trẻ phải sử dụng thuốc kháng sinh khi bị ho hoặc sốt có thể diệt các vi khuẩn đường ruột có lợi gây rối loạn tiêu hóa trẻ dễ bị táo bón, tiêu chảy.
  • Do bệnh lý: Một số bệnh gây ra bởi tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa hay các dị tật bẩm sinh (bệnh cường giáp làm giảm hoạt động cơ ruột, phì đại tràng bẩm sinh, bệnh đái tháo đường, hay các bệnh liên quan đến hệ thần kinh) có thể là căn nguyên gây tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh.

Dấu hiệu để biết trẻ sơ sinh bị táo bón

  • Bé gặp khó khăn trong mỗi lần đi tiêu: bé phải cong lưng, thắt chặt mông, gồng sức để rặn, phân khó ra gây cho bé cảm giác khó chịu, đau rát và khiến bé khóc to.
  • Phân của bé khô và cứng, số lượng phân ít hơn bình thường, thậm chí có lẫn máu hoặc phân màu thẫm.
  • Tần suất đi đại tiện của bé kéo dài hơn bình thường từ 3 – 5 ngày hoặc hơn, thời gian đi tiêu mỗi lần của bé cũng dài hơn bình thường, hoặc bé bỏ cuộc dù chưa ra được phân.
  • Bé chán ăn, đầy bụng, khó ngủ; một số còn có biểu hiện đau quặn bụng, xì hơi nặng mùi hoặc cơ thể có mùi khó chịu.
  • Bé thấy sợ hãi, khóc thét mỗi lần đi đại tiện.

Cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh

Việc điều trị táo bón cho trẻ cần các bậc phụ huynh phải tìm hiểu kĩ càng nguyên nhân mà bé gặp phải làm xuất hiện tình trạng táo bón. Khi đã rõ những yếu tố tác động khiến trẻ táo bón cha mẹ sẽ dễ dàng tìm được giải pháp an toàn về chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp cho trẻ.

Để làm được điều này đòi hỏi cha mẹ cần kiên nhẫn vì tiêu hóa không dễ nhanh hết như bệnh cảm sốt thông thường. Đặc biệt khi mà cha mẹ chưa tìm ra được nguyên nhân hay không biết cách điều trị cho bé thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ và nghe theo tư vấn của chuyên gia.

Dưới đây là một số giải pháp an toàn  mà mọi cha mẹ đều có thể áp dụng để khắc phục tình trạng táo bón mà trẻ gặp phải:

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị táo bón

Với trẻ đang bú sữa mẹ thì các mẹ cần lưu ý điều chỉnh chế độ ăn hợp lí, cung cấp đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là chất xơ, ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc, trái cây, uống đủ nước, nghỉ ngơi điều độ.

Với trẻ ăn dặm bị táo bón cần bổ sung nước cần thiết cho bé, cho bé ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ như ngũ cốc, rau xanh, trái cây (táo, mận, lê, nho, việt quất,…). Các loại thức ăn này góp phần làm mềm phân giúp trẻ dễ đi đại tiện. Hạn chế cho bé ăn các loại thức ăn nhanh, đồ ăn vặt, các đồ uống có ga vì nó sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa của bé.

Với trẻ uống sữa công thức bị táo bón thì các mẹ có thể hỏi ý kiến chuyên gia để tìm được loại sữa tốt nhất cho con.

Bổ sung đủ nước cho trẻ

Cung cấp đủ nước cho trẻ bị táo bón vừa dễ dàng vừa mang lại hiệu quả tốt cho bé. Mẹ có thể cho trẻ uống nước lọc đun sôi, bú sữa mẹ hay uống nước ép trái cây. Lượng nước cho các bé sẽ khác nhau tùy từng độ tuổi chứ không phải là càng nhiều càng tốt.

  • Với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thì việc bú sữa mẹ hàng ngày là đã có thể đáp ứng đủ nước cho bé.
  • Với trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi ngoài sữa mẹ cần cho trẻ uống thêm 70 – 120ml nước.
  • Trẻ từ 1 – 10 tuổi cần 1 – 1,5l nước mỗi ngày.

Tập thói quen đi vệ sinh cho trẻ

Bố mẹ cần luyện tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh đều đặn mỗi ngày, tốt nhất là sau bữa ăn. Thế nhưng không nhất thiết là phải bắt trẻ đi đại tiện vào đúng một giờ nhất định bất chấp trẻ có muốn hay không. Điều này không những không mang lại hiệu quả mà còn khiến bé thấy sợ hãi, khó chịu.

Để đem lại hiệu quả tốt nhất và dễ dàng thực hiện thì mẹ cần chú ý quan sát vào khoảng thời gian bé hay đi vệ sinh. Đồng thời căn cứ vào lượng thức ăn của con để canh thời gian đại tiện cho bé. Bạn có thể hỏi ý kiến chuyên gia để biết được khoảng thời gian thức ăn tiêu hóa trong bụng bé để canh được thời gian thích hợp cho bé đi ị.

Một khi bé duy trì tốt được thói quen này sẽ giúp phân được thải ra ngoài đều đặn, trẻ sẽ không gặp phải khó khăn với việc khó tống phân ra ngoài. Ngoài ra mẹ có thể sử dụng thuốc bôi hậu môn có tác dụng làm trơn để bé dễ đi ngoài hơn.

Cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

Đối với những trẻ 1 tháng tuổi, các cơ quan, hệ tiêu hóa còn yếu, chưa hoàn thiện nên các mẹ có dùng biện pháp an toàn là massge bụng cho bé để trị táo bón. Massage là một cách hiệu quả và dễ dàng giúp kích thích nhu động ruột của bé hoạt động hỗ trợ việc tiêu hóa thức ăn và đẩy phân ra ngoài.

Thực hiện: Bạn dùng 2 ngón tay đặt vùng gần rốn bé từ từ ấn nhẹ rồi xoay vòng tại chỗ theo chiều kim đồng hồ. Tiếp tục động tác trên đồng thời mở rộng vòng xoay đến khi 2 ngón tay gần với hông bên phải của bé.

Động tác này cần lực vừa phải, nếu mẹ thực hiện massage thường xuyên mỗi ngày cho trẻ sẽ giúp các thành phần trong ruột non dễ dàng di chuyển theo chiều dài của ruột non, dễ dàng tống phân ra ngoài.

Cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi

Khi trị táo bón cho trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi thì ngoài các biện pháp nêu trên, các bâc phụ huynh có thể kết hợp thêm giải pháp là cho bé ngâm nước ấm. Khi trẻ được ngâm nước ấm sẽ khiến bé cảm thấy thoải mái và giảm bớt cảm giác khó chịu do táo bón gây ra.

Ngâm nước ấm từ 1 – 2 lần một ngày, mỗi lần từ 5 – 10 phút sẽ giúp cơ bụng của bé được thư giãn, giảm cơn đau do đầy hơi, kích thích nhu động ruột của bé giúp bé dễ đi ngoài hơn. Lưu ý không để bé dưới nước quá lâu, tránh nhiễm lạnh

Trị táo bón cho trẻ sơ sinh bằng mật ong

Mật ong là một nguyên liệu tự nhiên có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Một trong những tác dụng có lợi được nhiều người sử dụng và truyền tay nhau đó chính là dùng mật ong để chữa táo bón cho trẻ. Tuy nhiên thì để đảm bảo đem lại hiệu quả và an toàn cho bé thì cha mẹ cần lưu ý 1 số điều dưới đây.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Chuẩn bị 1 ít mật ong nguyên chất ra bát.
  • Bước 2: Sử dụng tăm bông sạch nhúng vào mật ong sau đó thoa đều xung quanh và hơi đút vào bên trong vùng hậu môn của trẻ.

Việc sử dụng mật ong có tác dụng bôi trơn và kích thích cơ hậu môn giãn nở từ đó giúp tống phân ra ngoài dễ dàng và hạn chế đau rát cho trẻ. Tuy nhiên cách này chỉ thực hiện cho trẻ từ 5 tháng tuổi trở lên. Các bé nhỏ hơn thì các mẹ nên sử dụng các phương pháp an toàn đã được nhắc ở trên.

Lưu ý chỉ cần thực hiện 3 lần là có thể chấm dứt tình trạng táo bón ở trẻ. Đồng thời không được lạm dụng thụt hậu môn trẻ bằng mật ong nhiều lần 1 ngày vì sẽ khiến tăng nguy cơ suy yếu cơ thắt vòng hậu môn, lâu ngày sẽ khiến trẻ đi ngoài không tự chủ.

Trong bước thực hiện các bậc cha mẹ cần hết sức nhẹ nhàng và cẩn thận, tuyệt đối không sử dụng tay trực tiếp vì hậu môn trẻ rất dễ bị rách hoặc tổn thương.

Đưa trẻ đi khám bác sĩ

Khi cha mẹ không thể giải quyết được tình trạng táo bón của trẻ thì nên đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ để kiểm tra sức khỏe cụ thể xem trẻ có mắc bệnh lí nghiêm trọng liên quan đến đường tiêu hóa hay không.

Để trẻ phát triển toàn diện và an toàn thì các bậc cha mẹ nên cho con đi thăm khám sức khỏe định kỳ, tham khảo tư vấn của chuyên gia về chế độ chăm sóc tốt nhất cho trẻ.

Trẻ sơ sinh bị táo bón mẹ nên ăn gì?

Một trong số những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị táo bón đó chính là do ảnh hưởng từ mẹ trong giai đoạn trẻ còn bú sữa mẹ. Những thức ăn mà mẹ nạp vào cơ thể hàng ngày không chỉ ảnh hưởng đến cơ thể mẹ mà 1 phần nó được bài tiết qua sữa vào cơ thể trẻ nhỏ và gây ra 1 số rối loạn đến sức khỏe của trẻ trong đó có tình trạng táo bón.

Trẻ sơ sinh có thể bị táo bón khi mà mẹ thường xuyên ăn đồ cay nóng, không được cung cấp đủ nước, khẩu phần ăn hàng ngày thiếu chất xơ, nhiều đạm. Bên cạnh đó thì việc mẹ ăn, uống, ngủ, nghỉ không điều độ cũng có thể tăng nguy có khiến trẻ bị táo bón.

Vì vậy việc điều chỉnh chế độ ăn uống, ngủ nghỉ của mẹ giữ vai trò rất lớn trong việc giảm thiểu nguy cơ đồng thời làm giảm tình trạng táo bón ở trẻ. Dưới đây là một số lưu ý trong chế độ ăn uống để mẹ và bé đều được khỏe mạnh và không bị táo bón.

  • Bổ sung chất xơ trong khẩu phần ăn thông qua các loại rau (bông cải xanh, mồng tơi, khoai lang, cà rốt, cà chua, rau ngót, súp lơ,…); trái cây (cam, quýt, táo, lê, chuối, bơ, đu đủ,…); các loại ngũ cốc (yến mạch, gạo lứt, đậu đen,…).
  • Bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch và ổn định hệ tiêu hóa cả mẹ và bé. Một số vitamin có thể kể đến là vitamin C (có trong cam, dâu tây, đu đủ, kiwi,…); vitamin B5 ( có trong rau, thịt, ngũ cốc, các loại trứng sữa,…); vitamin B12 (có trong gan bò, cá hồi, cá ngừ,…); acid folic (có trong rau bina, đỗ đen, ngũ cốc, bơ,…).
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể cả mẹ và bé. Lượng nước mẹ cần uống hàng ngày là từ 2 – 3 lít. Mẹ có thể kết hợp uống nước trái cây và sữa đều rất tốt và có hiệu quả. Sữa chua cũng rất có hiệu quả cho việc điều trị chứng táo bón ở trẻ khi mẹ ăn sữa chua. Vì nó chứa hàm lượng probiotics cao và cung cấp nhiều lợi khuẩn tốt cho đường ruột.

Táo bón ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Táo bón là tình trạng phổ biến gặp ở nhiều trẻ sơ sinh. Vì đây thường là giai đoạn đầu, bé còn nhỏ gặp phải các tình trạng về đường tiêu hóa gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu nên khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

Tuy nhiên thì theo một số nguyên nhân đã nêu ở trên thì các bé thường gặp tình trạng táo bón cấp do sự thay đổi bất thường của cơ thể mẹ và bé. Các mẹ chỉ cần lưu ý đến sức khỏe bé, chủ động tìm hiểu nguyên nhân và sử dụng các phương pháp an toàn ở trên để giải quyết từ từ chứng táo bón ở trẻ.

Nếu như mẹ đã thử hết các phương pháp mà mình tham khảo được để trị táo bón cho trẻ mà không thành công thậm chí táo bón ở trẻ kéo dài và diễn biến xấu thì mẹ cần đưa bé đến thăm khám y tế kịp thời.

Nếu như tình trạng táo bón của bé là do nguyên nhân bệnh lý, tổn thương thực thể đường tiêu hóa thì bé cần được bác sĩ thăm khám, điều trị triệt để, đúng cách và an toàn.

Có nên dùng thuốc trị táo bón cho trẻ?

Thuốc nhuận tràng có khả năng điều trị nhanh chóng với tình trạng táo bón cấp. Tuy nhiên cha mẹ không nên lạm dụng thuốc này để trị táo bón cho trẻ vì thuốc có quá nhiều tác dụng phụ đối với trẻ.

Việc cha mẹ sử dụng thuốc trị táo bón cho trẻ không đúng cách hoặc không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ khiến tình trạng táo bón của bé càng trở nên phức tạp và khó cải thiện triệt để. Nó có thể làm chức năng nhu động ruột, phản xạ đi đại tiện của bé bị ảnh hưởng rất nhiều.

Vì vậy các cha mẹ cần bỏ túi cho mình các kiến thức cơ bản về tình trạng táo bón ở trẻ. Giải pháp ưu tiên chính là điều chỉnh chế độ ăn, chế độ sinh hoạt,… mà bài viết này đã nhắc đến ở trên.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn giải quyết được tình trạng táo bón cho con một cách dễ dàng và hiệu quả.

Bài viết liên quan